Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Thêm dự án mất trăm tỷ nộp phạt cho Nhật?

Email In
Tiến độ dự án tuyến metro số 1 chậm trễ, còn gần 100 hộ chưa bàn giao mặt bằng, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM đang thương lượng với liên danh nhà thầu Sumitomo và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) để được giảm tiền phạt





Phối cảnh tuyến Metro số 1 đi qua địa bàn các quận
Theo hợp đồng đã ký kết với nhà thầu, thành phố Hồ Chí Minh phải bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công vào cuối năm 2012. Tuy nhiên do vướng giải phóng mặt bằng, chủ yếu trên địa bàn quận Thủ Đức và thị xã Dĩ An (Bình Dương).

Hiện nay còn gần 100 hộ quận Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương) chưa bàn giao mặt bằng nên Ban quản lý đường sắt đô thị đã nhiều lần gia hạn thời gian giao mặt bằng cho liên danh nhà thầu Sumitomo – Cienco 6. Gia hạn cuối cùng vào ngày 30/9/2013.

Chậm bàn giao sau 9 tháng, điều này đồng nghĩa với việc thành phố phải chịu phạt với khoản tiền ước khoảng 2,5 tỉ đồng/ngày, vừa gây tổn thất cho ngân sách nhà nước, vừa làm mất uy tín của thành phố với nhà tài trợ và nhà thầu nước ngoài.
 
Ngày 28/10, ông Lê Hồng Hà, Phó Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố đang phải thương lượng với liên danh nhà thầu Sumitomo – Cienco 6 để xin giảm bớt khoản tiền nộp phạt này.

Theo ông Hà, trong điều kiện hiện nay thành phố rất khó tìm được khoản tiền 2,5 tỉ đồng/ngày để nộp phạt cho nhà thầu theo như hợp đồng đã ký kết trước đây.

Liên danh nhà thầu Sumitomo – Cienco 6 khảo sát thiết kế, thi công gói thầu đoạn đường sắt đi trên cao của tuyến metro số 1 bắt đầu từ phía bắc khu vực Ba Son và băng qua khu vực Văn Thánh, Tân Cảng rồi chạy dọc xa lộ Hà Nội đến Suối Tiên với tổng chiều dài xấp xỉ 17,1 km bao gồm 11 nhà ga. Gói thầu này trị giá khoảng 45 tỉ yen Nhật, tương đương 11.755 tỷ đồng.

Tuyến tàu điện ngầm số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km, trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km, đoạn đi trên cao dài 17,1 km. Toàn tuyến có 14 nhà ga gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2017 và đưa vào vận hành khai thác năm 2018.

Dự toán ban đầu dự án này có tổng mức đầu tư 1,09 tỉ đô la Mỹ bằng vốn vay ODA và vốn ngân sách. Tuy nhiên, do một số hạng mục của dự án được điều chỉnh, cộng với sự biến động về giá đô la Mỹ nên tổng mức đầu tư của dự án hiện nay đã tăng lên 2,07 tỉ đô la Mỹ.

Trước đó, dự án cầu Nhật Tân (Hà Nội) vì chậm tiến độ 27 tháng, phía nhà thầu Nhật phạt 200 tỉ đồng chi phí phát sinh cũng với lý do chậm giải phóng mặt bằng.

Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ này trong thời gian trước mắt được sử dụng vốn dư (vốn vay ODA của Nhật Bản) với con số hỗ trợ 155,9 tỷ đồng cho nhà thầu và lấy vốn dư gói thầu 3 (còn dư khoảng 230 tỷ đồng) để chi trả cho nhà thầu.

Tức là, ứng tiền vay của Nhật để nộp phạt cho Nhật khi bị chậm tiến độ sau đó lại lấy từ ngân sách TP. Hà Nội năm 2014 để hoàn trả.

Đăng nhận xét