Linh tính nghề nghiệp mách bảo, tổ trinh sát chồm dậy giữa đồng lúa khi thấy 2 bóng đen trùm đầu. Mặc sình lầy bám nhầy nhụa, các trinh sát bò theo con mương, qua đường quốc lộ hàng trăm mét để tiến gần mục tiêu.
Các trinh sát phục kích trên các tuyến xe tải đường dài. |
Việc băng cướp do Nguyễn Ngọc Sang cầm đầu cả chục tên liên tục cướp của, hiếp dâm, trên tuyến Quốc lộ 1A gây kinh hoàng cho người dân đã khiến các chiến sĩ Công an Quảng Nam - Đà Nẵng như ngồi trên đống lửa. Nhất là trong 64 vụ án mà Sang và đồng bọn gây ra, từ tháng 5/1992 đến đầu tháng 7/1994 thì có đến 43 vụ ở địa bàn tỉnh này.
Công an tỉnh quyết định thành lập Ban chuyên án với những trinh sát dày dạn nhất được được tung vào cuộc. Theo lời kể của các nạn nhân, cảnh sát xác định khi gây án, băng cướp thường giả giọng các vùng miền nên việc lần ra manh mối rất khó khăn. Cảnh sát lục tung cả đống hồ sơ cũ có liên quan đến cướp, bới từng ngõ ngách, từng sổ đăng ký tạm trú các khách sạn, đưa vào tầm ngắm gần 150 người khả nghi rồi loại dần.
Ban chuyên án cũng phân công lực lượng các địa phương khảo sát kỹ lại địa bàn, thông tin cho công an khắp các tỉnh miền Trung hỗ trợ phát hiện những kẻ khả nghi, nhờ quân đội xác minh nguồn gốc những khẩu súng từ những vụ cướp. Bản thân những người trong Ban chuyên án cũng đóng vai các tài xế xe tải đường dài, tuần tra trắng đêm hàng tháng trời để phục kích và “câu” cướp. Nhiều tháng trôi qua, Sang và đồng bọn vẫn "lặn tăm" bởi lúc này chúng đã "đánh hơi" được lực lượng công an đang truy lùng ráo riết nên chuyển địa bàn hoạt động từ Bình Thuận vào các tỉnh miền Nam.
"Đó là những tháng ngày mà chúng tôi dãi nắng dầm mưa, cơm đùm cơm vắt, ngủ bờ ngủ bụi, muỗi cắn, rết đốt… chỉ với mục tiêu bám sát địa bàn, truy lùng nghi phạm. Các chiến thuật cũng linh hoạt thay đổi phù hợp để tìm ra manh mối của băng cướp", một thành viên Ban chuyên án kể.
Băng bó vết thương cho Đỗ Thái Bình lúc bị bắn. |
Sau gần một năm trời ròng rã giăng lưới, lúc 3h30 ngày 6/5/1994, tổ phục kích gồm 3 trinh sát gan dạ, bản lĩnh nhất ém quân tại khu vực cầu Cảnh Tiên – nơi thường xuyên xảy ra cướp trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Bất ngờ họ phát hiện khu vực hướng Bắc có tiếng ném đá vào thùng xe tải, nhưng chiếc xe đó không dừng.
Linh tính nghề nghiệp mách bảo đây chính là mục tiêu, tổ trinh sát chồm dậy giữa đồng lúa khi thấy 2 bóng đen. Mặc sình lầy bám nhầy nhụa, các trinh sát bò theo con mương rồi qua đường quốc lộ dài hàng trăm mét. Lúc đã áp gần những kẻ khả nghi, một phát pháo sáng được bắn lên bầu trời cùng một loạt đạn chỉ thiên, kèm theo tiếng quát: “Tất cả đứng im không sẽ bị bắn!”.
Khựng lại bởi tiếng đạn AK, hai kẻ đội mũ trùm đầu với 2 khẩu súng trên tay bỏ chạy thục mạng về hai hướng. Thêm vài phát đạn vang lên, một tên trúng đạn nấp dưới bờ kênh đã bị các trinh sát bắt được. Công an cũng thu được khẩu súng, chiếc xe đạp, ba lô và nhiều đồ nghề khác.
Ban đầu người này khai tên Hồ Đình Dũng, sống lang thang, không nghề nghiệp. Sau thời gian điều trị lành vết thương, anh ta vẫn khẳng định không biết gì về các vụ cướp trước đó. Chỉ đến khi một điều tra viên dày dạn nhất, hỏi: “Anh có biết Đỗ Thái Bình là ai không?”, kèm theo một số lý lịch trích ngang như đã từng cầm đầu các vụ cướp tương tự tại tỉnh Bình Định, phải chịu án chung thân, trong một lần điều trị tại bệnh viện đã bỏ trốn… thì hắn tái mặt, thừa nhận nhân vật đó chính là mình.
Tướng cướp Đỗ Thái Bình đã phẫu thuật thẩm mỹ thay đổi nhân dạng để trốn truy nã. |
Bình khai, sau khi trốn khỏi trạm giam, hắn xuống TP Quy Nhơn gặp chiến hữu Hồ Thanh Sơn và cùng rủ nhau ra Đà Nẵng nhập nhóm cướp do Nguyễn Ngọc Sang cầm đầu. Để tránh bị phát hiện do bị truy nã, Bình vào TP HCM giải phẫu thẩm mỹ, thay đổi nhân dạng. Trong vụ cướp lúc rạng sáng ngày 16/11/1993 tại thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Bình là kẻ đã dùng súng uy hiếp cho Sang cưỡng bức thiếu nữ tội nghiệp trước mặt nhiều người. Cùng tham gia vụ này còn có Nguyễn Nhung và Võ Văn Bình (tức Bình Chảy).
"Sau vụ đó, thấy 'động' nên anh Sang vào miền Nam hoạt động. Trong một lần khảo sát địa bàn, ảnh chống trả Công an Tiền Giang nên bị trúng đạn tử vong. Lúc đó cả nhóm kêu tôi lên thay để cùng nhau kiếm ăn", Bình nói và cho biết tài sản cướp được đều tung vào các cuộc ăn chơi trác táng tại Sài Gòn. Tuy cùng băng đảng, nhưng chúng hầu như đều không biết nơi ở của nhau. Chỉ khi lên kế hoạch đi cướp, chúng đến địa điểm “tập kết”, ngủ lại ở gầm cầu, mồ mả, đồng vắng... cách Quốc lộ 1A chừng 50-60 m chờ thời cơ ra tay.
"Với sự ranh ma, có kinh nghiệm đối phó với công an, những tên còn lại trong băng cướp liên tục di chuyển. Các trinh sát lúc đó cũng chạy vắt chân lên cổ theo bước di chuyển của chúng", thành viên Ban chuyên án cho hay.
Hàng nghìn người dân đến dự phiên tòa xét xử băng cướp. |
Tuy nhiên, được sự phối hợp của công an các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định, Gia Lai – Kon Tum, Đăk Lăk, Quảng Ngãi... lần lượt từng manh mối, từng vỏ bọc được làm sáng tỏ. Trong vòng 5 tháng, sử dụng hết những chiêu thức nghiệp vụ, thậm chí bị đồng đội suýt đánh lầm (vì tưởng là cướp), các trinh sát đã lần lượt tóm được 9 tên. Cảnh sát cũng thu giữ 5 khẩu súng, nhiều dao, mũ trùm đầu... là tang vật của các vụ án mà Sang, Bình và đồng bọn gây ra.
Ngày 24/10/1995, TAND Quảng Nam – Đà Nẵng chưa bao giờ đông đến thế. Hàng nghìn người kéo về kín chật các ngả đường để xem phiên tòa xét xử băng cướp từng là nỗi ám ảnh của người dân trên cung đường Quốc lộ 1A. Hôm đó, HĐXX đã áp dụng 4 án tử hình cho các thành viên nguy hiểm của băng cướp, các tên khác cũng phải nhận ít nhất 15 năm tù.
Đăng nhận xét